fbpx
Search
Close this search box.

Hướng dẫn chọn dây dẫn cho đèn led

Khi đèn led trở nên phổ biến và đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống thì đã gây nên bao bối rối cho người tiêu dùng; một trong số đó là việc lựa chọn dây dẫn. Trước nay ta chỉ quen chọn dây theo hệ AC (xoay chiều), nay chuyển qua hệ DC (một chiều) thì vấn đề dây dẫn sẽ ra sao? Bài viết này tìm hiểu vấn đề chọn dây dẫn cho đèn led, từ đó giúp bạn chọn loại dây dẫn phù hợp và an toàn.

 

Mục lục

Khi đèn led vừa ra đời thì đa số đều đi kèm với driver (bộ chuyển nguồn) nhằm giúp người dùng dễ làm quen, có thể nối điện lưới xoay chiều 220V vào thiết bị và sử dụng ngay. Tuy nhiên, khi các thiết bị đèn led hiện đại cùng với các thành phần điều khiển phụ của nó đi sâu vào kiến trúc dân dụng thì vấn đề điện một chiều (12VDC / 24VDC) trở nên phổ biến và gây bối rối cho các anh thợ điện trước nay vẫn quen với điện xoay chiều AC. Đa số vấn đề mà Kim Phát gặp phải khi đi bảo hành sản phẩm đều xoay quanh việc chọn dây dẫn điện cho đèn led đã bị chọn sai. Vậy nên chọn thế nào cho đúng, cho đủ, không quá dư gây lãng phí mà lại an toàn?

Cơ bản về dây dẫn:

Trước tiên, ta ôn lại 1 số nguyên lý về điện mà ta đã quên hay lờ mờ (chữ thầy trả thầy)

  • Dây điện thì có điện trở. Dây càng dài thì điện trở càng cao. Dây càng lớn (tiết diện dây) thì điện trở càng thấp
  • Điện trở thông thường nói đến là điện trở một chiều (vì hệ điện xoay chiều có điện áp cao (220V so với 12V của 1 chiều) nên cường độ dòng điện của hệ xoay chiều rất thấp)
  • Dây dài thì điện trở cao, dòng điện qua dây sinh ra nhiệt độ bởi điện trở. Điện trở cao, cường độ dòng điện cao thì làm nóng dây, mất an toàn.
  • Dây có điện trở cao thì làm tiêu hao điện áp trên dây, khi đến thiết bị thì điện áp không đủ 12V hay 24V nữa (đang nói đến một chiều nha các bạn). Sẽ làm đèn mờ đi
  • Nếu chọn dây dẫn cho điện một chiều quá nhỏ, lại còn dài và đi xa thì đèn led sẽ sáng yếu (không đủ điện áp 12V đến đèn) mà lại còn làm nóng dây, chảy lớp nhựa cách điện bên ngoài rồi dẫn đến chập mạch, cháy lớp nhựa vỏ dây và cháy nguồn

Cách chọn dây dẫn cho đèn led

Từ trước đến nay thì việc chọn dây dẫn cho điện một chiều chủ yếu được nắm rõ bởi các bạn điện xe hơi hoặc điện cho tàu thủy, tàu hỏa vì đây là nguồn điện chủ yếu từ Dynamo hoặc từ ắc qui có điện áp 24V đi quanh xe/tàu. Lý do chủ yếu là an toàn cho hành khách, tránh điện giật. Do đó, qui tắc chọn dây dẫn cho điện một chiều của đèn led cũng chủ yếu được tham khảo từ các nguồn này. Ngày nay vấn đề chọn dây dẫn cũng trở nên quan trọng khi điện năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến hơn chứ không chỉ có mỗi đèn led.

Hai thông số quan trọng trước khi bắt tay vào chọn dây dẫn cho điện một chiều dùng với đèn led chính là Cường độ dòng điện (Ampe) và Chiều dài của dây dẫn từ nguồn tổ ong/driver/adapter đến đèn. Chiều dài của dây thì chia làm 2 loại là Quan trọng và Không quan trọng. Đối với dây dẫn thì ta đang nói đến đường dây có chiều dài đáng kể nên bỏ qua phần dây dẫn ngắn thường tính cho tủ điện (chasis wire).

Vậy khi biết cường độ dòng điện và khoảng cách thì ta có thể áp dụng bảng chọn tiết diện dây dẫn như trước đây vẫn dùng cho điện xoay chiều AC hay không? Câu trả lời là có và sẽ luôn an toàn. Lý do là:

              Cường độ dòng điện DC: I = P/U

              Cường độ dòng điện 1 pha AC: I = P / (U * cos F)

              Cường độ dòng điện 3 pha AC: I = P / (U*1.7 * cos F)

Như vậy thì nếu cùng 1 mức điện áp và công suất thì dòng điện DC sẽ có giá trị nhỏ nhất và do đó sẽ an toàn nhất. Hay nói cách khác thì công suất mà dây dẫn chịu trên dòng điện một chiều DC sẽ lớn hơn nếu dùng cùng dây ấy trên nguồn điện AC.

Từ đó, ta có thể sử dụng cách tính dây thông thường của thợ điện nhà mà áp dụng vào dây DC. Vấn đề là các bảng thường thấy do các nhà cung cấp dây dẫn điện thì thường lại dùng đơn vị công suất, do đó ta cần phải dùng bảng nước ngoài có đơn vị là AWG, rồi sau đó mới chuyển từ AWG sang tiết diện dây dẫn.

May mắn là các bạn nước ngoài đã rất chu đáo làm sẵn cho ta một bảng tính dễ dàng thay đổi giữa 2 đơn vị này, chỉ có 1 chú ý nhỏ là AWG là đơn vị dây dẫn theo chuẩn Mỹ – American Wiring Gauge, áp dụng cho dây điện có 7 lõi nên khi thay đổi qua tiết diện mm thì bạn nên chú ý là dây 7 lõi như vậy, nêu khác thì ta cần thêm bước chuyển nữa. Thông thường là nhiều lõi thì chịu được cường độ dòng điện thấp hơn.

Hi vọng với 1 bài ngắn như thế này nhưng đủ để giúp bạn hiểu thêm về cách chọn dây dẫn điện cho đèn led an toàn mà lại tiết kiệm chi phí. Và điều cuối cùng Kim Phát muốn nhắc bạn là cường độ dòng điện của điện một chiều rất cao, bạn nên cẩn thận chứ không nên giữ suy nghĩ chủ quan khi chỉ là vài cái đèn.

Bài viết mới nhất